Có không sự nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở lăng Lê Văn Duyệt ?
VHO- “Thượng công linh miếu - đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi lăng Ông Bà Chiểu) là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất TP.HCM. Tuy nhiên tại đây đang có một nhầm lẫn về nhân vật lịch sử được thờ bên cạnh Tả quân”.
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (ảnh) vừa bị phát hiện nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở đây. Thực tế thì như thế nào? Ảnh: THÀNH NGUYỄN
Đây chỉ là một trong những nhận định của một tác giả có học vị được đăng tải trên báo chí gây sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Vậy có hay không sự “nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở lăng Ông Bà Chiểu” như tác giả đó “quy kết” làm cho nhiều người có phần hoang mang, phóng viên Văn Hóa đã vào cuộc tìm hiểu. Và sự thật là, “chúng tôi không hề nhẫm lẫn như ai đó lớn tiếng áp đặt”.
Đúng là bài vị của Lê Văn Phong
Nhiều công trình nghiên cứu gọi “Thượng công linh miếu” là đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (tại số 1 đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX từ một ngôi miếu nhỏ trên gò đất cao có hình Quy Bối (lưng rùa). Do Lăng nằm bên cạnh chợ Bà Chiểu nên người dân quen gọi Lăng Ông Bà Chiểu. Còn theo Bằng xếp hạng di tích quốc gia năm 1988, đó là di tích lịch sử, văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt.
Lần theo những thông tin và không ít nhận định có thể nói gây nên bất ngờ đối với nhiều người về sự nhầm lẫn nhân vật lịch sử được thờ tại di tích Lăng Lê Văn Duyệt của tác giả bài báo có tựa đề “Nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ ở lăng Ông Bà Chiểu”, những ngày qua chúng tôi có mặt tại di tích này nhằm khảo chứng lại hệ thống bài trí nơi đây. Phía sau Lăng là đền thờ được bố cục gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Mỗi khu điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tỉnh. Tại khu Chính điện, nhìn theo hướng từ trong ra, gian chính giữa thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, gian bên phải (hữu) thờ Đức Kinh lược Phan Thanh Giản và gian bên trái (tả) thờ Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong (em trai Tả quân) có cả bài vị đặt trong khám thờ. Nhưng không hiểu sao và từ khi nào, phía dưới ban thờ này lại đặt tấm biển, bảng bằng tiếng Việt đề là ban thờ Lê Chất. Trong khi đó, tại khu Trung điện cũng đã có gian thờ Lê Chất.
Căn cứ tài liệu của một cuốn sách, có ghi “Tại chánh điện, các ban thờ và khám thờ ở hai bên tả, hữu là nơi thờ bài vị của Đức Kinh lược Phan Thanh Giản (từ năm 1894 cho đến nay) và Đức Thiếu phó Lê Chất (không rõ từ năm nào)...”, và những hồ sơ, tài liệu, hiện vật có liên quan, nên phải chăng tác giả bài báo đi đến nhận định là có sự nhầm lẫn nhân vật lịch sử thờ tại đền Tả quân Lê Văn Duyệt?
Về nhân vật lịch sử Lê Văn Phong, theo các ghi chép cho biết ông sinh năm Kỷ Sửu (1769) tại tỉnh Định Tường (về sau đổi thành tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang). Ông là con thứ tư của ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập, và là em trai Tả quân Lê Văn Duyệt. Năm 1781, một lần chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy đến vàm Trà Lọt, có ngụ tại nhà ông Lê Văn Toại. Cảm ơn cưu mang, Lê Văn Duyệt (lúc này 17 tuổi) được chúa Nguyễn tuyển dụng làm thái giám, lãnh nhiệm vụ bảo vệ cung quyến. Ít lâu sau, Lê Văn Phong cũng được nhận vào quân ngũ. Sử liệu chép về ông không nhiều, chỉ biết khi vua tôi nhà Tây Sơn bỏ chạy, vua Gia Long vào thành Thăng Long (năm Nhâm Tuất, 1802) thì ông đang giữ chức Đô thống chế. Khoảng năm Mậu Dần (1818), Lê Văn Phong được cử ra Bắc giữ chức Phó Tổng trấn Bắc thành, dưới quyền của Tổng trấn Lê Chất. Năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân, 1824), Lê Văn Phong về thăm quê, trở bệnh rồi qua đời ở tuổi 55 tại Gia Định ngày 15.9 âm lịch.
Hiện tại khám thờ và bài vị đặt bên trái ở khu Chính điện đúng là thờ Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, với nội dung: “Tả dinh Đô thống chế, lãnh Bắc thành Phó Tổng trấn, tính Lê thần vị” (dịch nghĩa: Thần vị người mang họ Lê, được phong cấp Tả dinh Đô thống chế, có làm chức vụ Phó Tổng trấn Bắc thành). Tuy nhiên, tại thời điểm này, thay vì đặt bảng, biển bằng tiếng Việt phải ghi tên nhân vật được thờ là Lê Văn Phong thì trên bảng, biển lại đề ban thờ Lê Chất. Chúng tôi cho rằng, đây mới là sự nhầm lẫn rất đáng tiếc vì người đặt bảng ghi tên của nhân vật được thờ (có lẽ) đã hiểu nhầm rằng ở khu Trung điện đã thờ Lê Chất thì chính điện cũng phải là nhân vật này? Đặt bảng biển như vậy mà không hiểu rõ rằng bài vị trên khám thờ đó là của nhân vật lịch sử Lê Văn Phong.
Khám thờ và bài vị là nhân vật Lê Văn Phong nhưng bảng, biển bằng tiếng Việt lại đề ban thờ Lê Chất
“Chúng tôi không nhầm lẫn”
Đó là khẳng định của Ban Quý tế Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt với phóng viên Văn Hóa sau khi có bài báo cho rằng, “trong khi khám thờ và bài vị ở gian thờ bên trái khu Chính điện là của Lê Văn Phong nhưng các bàn thờ ở phía dưới ngay khám thờ khu Chính điện và các bàn thờ ở Trung điện đều ghi người được thờ là Quận công, Thiếu phó Lê Chất (1769-1826)”.
Ông Trần Văn Sung, Phó trưởng Ban Quản lý, Trưởng ban Quý tế di tích lịch sử, văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt cho biết: “Chúng tôi là hậu thế nên các cụ trước đây đã bài trí các khu vực thờ tự như thế nào thì đời sau mình cố gắng giữ nguyên như vậy, không dám thay đổi gì. Còn có thông tin nói rằng di tích Lăng Lê Văn Duyệt đang thờ như vậy là nhầm lẫn nhân vật lịch sử thì chúng tôi khẳng định là không có chuyện đó như ai đó lớn tiếng áp đặt. Hẳn những nhận định đấy là họ dựa vào tấm bảng, biển gắn phía dưới ban thờ để rồi “kết tội” chúng tôi. Xin thưa, chúng tôi biết rất rõ đang thờ nhân vật nào”. Minh chứng cho điều vừa nói, trong sách Di sản Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (NXB Hồng Đức, 2018) do chính ông Trần Văn Sung biên soạn, ở mục “Bài vị thờ tự tại lăng ngài”, tác giả đã phiên âm và dịch nghĩa rất chi tiết các bài vị được thờ tự trong Lăng, trong đó bao gồm cả bài vị Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong và Đức Thiếu phó Lê Chất.
Giải thích vì sao thờ Lê Chất trong lăng Lê Văn Duyệt, ông Sung nói rằng do các nhân vật Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Lê Chất là bạn đồng liêu, cùng chung hoàn cảnh. “Cả ba nhân vật nói trên đều mang chung án oan, cho nên các cụ xưa bố trí thờ chung cũng có lý do”, ông Sung giải thích và nói rằng, theo truyền thống trước đây ra sao thì nay để như vậy, nghĩa là Lăng đang thờ tất cả các nhân vật nói trên chứ không phải nhầm lẫn như một số người nghĩ. Và mỗi lần làm lễ cúng, Ban Quý tế đều thỉnh các ngài về.
Theo một vị cao niên, những cứ liệu nói trên là có cơ sở, việc dân chọn thờ Lê Chất tại di tích Lăng Lê Văn Duyệt không hề có sự nhầm lẫn và không thể nói rằng, “Suốt cả cuộc đời Quận công Lê Chất chưa một lần đặt chân đến Nam Bộ, công lao của ông với nhân dân và triều Nguyễn cũng chỉ từ Bình Định trở ra Bắc. Vì vậy mà cho rằng ông được người dân Nam Bộ tôn kính để thờ tự ở di tích lăng Ông Bà Chiểu là hoàn toàn không phù hợp”. Trong khi dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn nhớ ơn các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước, không phân biệt người đó có đặt chân đến Nam Bộ hay không. Còn về vị trí thờ, ông Trần Văn Sung cho hay, Ban quản lý cũng không nhầm lẫn, bàn thờ cụ Lê Chất và cụ Lê Văn Phong tách biệt nhau. “Từ xưa đã thờ như vậy, bây giờ vẫn vậy, chứ không phải bàn thờ cụ Lê Chất mà đặt bài vị Lê Văn Phong. Do vậy trong thời gian tới Lăng vẫn giữ nguyên các vị trí thờ tự chứ không nhất thiết phải có sự thay đổi gì làm xáo trộn”, Trưởng Ban Quý tế khẳng định.
Còn về nhận định, “do không nghiên cứu kỹ hay vì một lý do nào đó mà các bàn thờ ở phía dưới ngay khám thờ khu chính điện và các bàn thờ ở trung điện đều ghi người được thờ là Quận công, Thiếu phó Lê Chất (1769-1826), thậm chí hằng năm tổ chức cúng giỗ ông một cách trang trọng nơi đây, trong khi người được thờ chính là Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong lại chìm vào quên lãng”, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích này không bình luận gì với phóng viên mà chỉ cho biết: Tính theo ngày âm lịch, hằng năm tại di tích Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt tổ chức lễ giỗ Phan Thanh Giản vào mùng 5.7; giỗ Lê Chất vào 10.7; giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt vào 30.7 và 1.8. Riêng giỗ Lê Văn Phong vào 15.9 được tổ chức tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vì cách đây mấy năm hậu duệ của ông đã xây lăng thờ tự tại đây. Hằng năm vào ngày này Ban Quý tế cùng với gia đình đều tổ chức lễ giỗ tại Lăng Lê Văn Phong. Bằng những thông tin này, chúng tôi cho rằng Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong không hề bị chìm vào quên lãng như tác giả bài báo nhận định, mà được hậu duệ tôn vinh, thờ cúng hằng năm.
Để tránh sự “phát hiện” với những nhầm lẫn “tai hại” mà bài báo nói trên đã đề cập, theo chúng tôi, Ban Quản lý di tích Lăng Lê Văn Duyệt cần kiến nghị với cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến giới chuyên môn, theo đó cho phép được thay tấm bảng biển đề bằng tiếng Việt đặt tại gian thờ Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong ở khu Chính điện. Từ chỗ đề là ban thờ Lê Chất chuyển thành ban thờ Lê Văn Phong. Chỉ với động thái này thôi sẽ tránh được sự hiểu lầm không đáng có về sau...
Chúng tôi là hậu thế nên các cụ trước đây đã bài trí các khu vực thờ tự như thế nào thì đời sau mình cố gắng giữ nguyên như vậy, không dám thay đổi gì. Còn có thông tin nói rằng di tích Lăng Lê Văn Duyệt đang thờ như vậy là nhầm lẫn nhân vật lịch sử thì chúng tôi khẳng định là không có chuyện đó như ai đó lớn tiếng áp đặt. Hẳn những nhận định đấy là họ dựa vào tấm bảng, biển gắn phía dưới ban thờ để rồi “kết tội” chúng tôi. Xin thưa, chúng tôi biết rất rõ đang thờ nhân vật nào. (Ông TRẦN VĂN SUNG, Phó trưởng Ban Quản lý, Trưởng ban Quý tế di tích lịch sử, văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt) |
THÙY TRANG